PHONG CÁCH SAO - Thí sinh Nguyễn Thị Thơm, số báo danh 0051 đã đăng ký dự thi với bộ ảnh được chụp trên chính nơi mình sinh ra và trưởng thành - làng gốm Bát Tràng. Đây được xem như một kỷ yếu lưu lại những nét cổ kính của một làng nghề truyền thống thủ công đã tồn tại hơn 5 thế kỷ qua của nền văn minh sông Hồng.
Làng gốm Bát Tràng cổ kính trong bộ ảnh dự thi Hoa hậu U30 Việt Nam 2018.
Làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm – Hà Nội. Làng nằm bên bờ sông Hồng, chuyên sản xuất gốm sứ, gạch từ những nguyên liệu đặc biệt của đất phù sa của sông Hồng mà chưa có một làng nghề gốm sứ nào có được. Cùng với sự tài hoa của các nghệ nhân, gốm sứ Bát Tràng đã nổi danh trên thế giới và trở thành một thương hiệu quốc gia, một nét văn hóa đặc trưng của Hà Thành. Mời mọi người cùng khám phá một phần làng gốm Bát Tràng mà tiêu điểm là đình làng Bát Tràng, trái tim của làng gốm.
Những ngõ sâu dẫn vào đình làng vẫn giữ nguyên nét cổ kính.
Những ngôi nhà được làm từ gạch Bát Tràng đã hơn một thế kỷ vẫn còn giữ nguyên vẹn, không chỉ có gốm sứ, gạch Bát Tràng cũng nổi tiếng không kém về độ bền vật liệu. Gạch Bát Tràng đã đi vào thơ ca nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng / Vải tơ Nam Định lụa làng Hà Đông".
Cổng đình Bát Tràng nhìn ra bờ Sông Hồng với những kiến trúc đặc trưng của văn hóa Bắc Bộ như hình ảnh Rồng thời Lý được khắc trên cửa gỗ. Bến sông trước cổng đình với nhiều hoa sứ đặc trưng của Hà Nội đã tạo nên một không gian vừa cổ kính, vừa lãng mạn với tà áo dài.
Sinh ra cũng từ một làng gốm ở xã Kim Lan (cùng xã với Bát Tràng trước khi tách ra), Nguyễn Thị Thơm đã theo chồng và gắn bó với làng gốm Bát Tràng 12 năm. Công việc kinh doanh gốm sứ đã giúp cô trưởng thành và có một gia đình nhỏ hạnh phúc. Bộ ảnh dự thi như một lời tri ân và tôn vinh những nét đẹp của quê hương Bát Tràng.
Ivan Nguyen | Phong Cách Sao
Ảnh: NVCC
Bài viết đóng góp, xin gửi về:
media@goldstar.com.vn